Hồng ân cứu độ: Biến đổi và lướt thắng sự chết

Easter-3

Cuộc đời con người luôn theo quy luật sinh tử, cái chết là một điều tối tăm, nghiệt ngã của cuộc sống và là một giới hạn mà con người luôn muốn vượt qua. Cái chết như là một định mệnh của con người: “phận con người là phải chết một lần” (Dt 9, 27); là “con đường của thế nhân” (1V 2, 2). Vì vậy, đứng trước cái chết hẵn ai cũng đồng cảm với tác giả sách Huấn ca: “Hỡi tử thần, nhớ đến ngươi thật là cay đắng” (Hc 41, 1). Vì khiếp hãi nên tận thâm sâu tâm hồn mình, con người thường thao thức, tự hỏi “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7, 24) và tìm cách lý giải, tìm một lối thoát cho kiếp người ngang qua sự chết. Thế nhưng cái chết vẫn đến, nhiều nền văn minh đã chết, nhiều người bao đời nay vẫn chết. Khi dứt sự sống của ai, cái chết đóng ấn trên dung mạo người ấy: cái chết đầy tràn phúc lộc của các tổ phụ (St 25,7 ; 35,29); cái chết bí nhiệm của Môisê (Đnl 34); cái chết bi thảm của Saul (1Sm 31). Chúa Giêsu khi nhập thể mang lấy thân phận con người thì Ngài cũng đồng số phận hư nát với toàn thể nhân loại. Chính vì vậy, trước cái chết, trong vườn cây Dầu, Đức Giêsu đã xao xuyến bồi hồi đến độ đổ mồ hôi máu (x. Lc 22, 44). Ngài cảm nhận sự cô đơn tột cùng lúc hấp hối trên thập tự vì bị các môn đệ bỏ rơi và vì Ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa ruồng bỏ: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mt 27, 46). Chính sự đau khổ tột cùng đó diễn tả rằng Ngài đã đi đến tận cùng của kiếp người, chia sẻ trọn vẹn kiếp người với niềm thâm tín rằng: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (St 1, 13). Vì thế, Ngài đã đón nhận cái chết nhục nhằn trên cây thập giá với tinh thần tự do, âu yếm và sự trao hiến trọn vẹn chính bản thân mình lên Thiên Chúa Cha cho toàn thể thụ tạo. Nhưng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá muốn nói với nhân loại điều gì? Phải chăng Ngài đã bị giết chết một cách oan uổng và mọi sự đã kết thúc sau khi của mồ đóng lại? Hay Ngài đã “chết vì tội lỗi chúng ta, theo như lời kinh thánh”? (1 Cr 15, 3). Làm thế nào mà cái chết của Đức Giêsu lại có thể mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại?

Biến đổi sự chết

            Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao cho toàn thể nhân loại một lời nói cao đẹp đó là  “Thiên Chúa Yêu thương chúng ta” và Ngài yêu đến nỗi “có thể hiến mạng chịu chết vì  chúng ta ngay khi chúng ta là tội nhân” (x. Rm 5, 6-8). Vì “Ngài yêu thế gian đến cùng” nên Ngài đã bước vào cuộc tử nạn với tất cả tự do và lòng yêu mến của mình (x. Ga 10, 18). Tình yêu đã chiến thắng sự chết và trở nên ơn cứu độ cho toàn thể thụ tạo. Chính “Đức Kitô đã bị treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho người chỗi dậy và Thiên Chúa đã nâng Người lên đặt làm thủ lãnh và Đấng cứu độ” (Cv 5, 30-31). Quả thật, Đức Giêsu đã đón nhận sự chết mặc cho nó những ý nghĩa mới:

Chết là khởi điểm đưa ta vào sự sống vĩnh cửu (x. 1Cr 15, 20-23)

Những người lên án tử hình Chúa Giêsu khi thấy Người đã chết trên thập giá tin rằng cuộc đời Người đã kết thúc, một kết thúc nhục nhã. Người đã mãi mãi bị che lấp trong mồ bởi tảng đá lấp cửa mồ. Nói khác đi, nếu Đức kitô không sống lại thì câu chuyện về Ngài đã chấm dứt với cái chết bi thảm, oan uổng và bất công trên thập giá. Thế nhưng, tất cả đã đảo lộn, Chúa Giêsu đã phục sinh và sống một cuộc sống bất tử. Trên thập giá, Đức Giêsu đã biến đổi mọi sự trở nên khí cụ phát sinh ơn cứu độ. Những gì thế gian cho là “ô nhục” (Dt 12, 2), “đáng nguyền rủa” (Gl 13, 3), “sự điên rồ” (1Cr 1, 23) thì Thiên Chúa lại chọn cái chết ấy cho Con của Ngài để biểu lộ sứ điệp của tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người. Người sẵn sàng mặc lấy bản tính hư nát của con người “để qua sự chết, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức ma qủy” (Dt 2, 14). Thánh Grégoire de Nazianze gọi đó là một cuộc trao đổi kỳ diệu: chúng ta cần một vị Thiên Chúa mặc xác phàm và đón nhận cái chết để chúng ta được sống. Chúng ta cùng chết với Người để được thanh tẩy, chúng ta cùng sống lại với Người vì chúng ta cùng chết với Người: chúng ta cùng được vinh hiển vì chúng ta sống lại với Người [1]. Với thánh Phaolô đó là một Tin Mừng: “tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã lãnh nhận…Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta…Người đã được mai táng và ngày thứ ba Người đã chỗi dậy” (1Cr 15, 1-4). “Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15, 22). Nhờ sự sống lại từ cõi chết và từ mộ huyệt bước vào bất tử, Con Thiên Chúa cũng đã hứa ban cho những ai thuộc về Người sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô phục sinh. Sự sống ấy Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một Ngài, để những ai tin vào Người Con ấy thì sẽ được sống đời đời” (Ga 3, 16). Quả thật, Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu…mở đường là Chúa Kitô, rồi khi Chúa Kitô quang lâm, thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15, 20-23). Từ nay, trong Đức Kitô, sự chết không còn là một vực thẳm của sự sống nhưng được nối kết chặt chẽ với nhau và được xem như nguồn mạch duy nhất của ơn cứu độ (x. Rm 6, 40). Vì vậy, thánh Augustinô khuyên chúng ta: Quả thật, chẳng những chúng ta không được hổ thẹn vì cái chết của Chúa, Thiên Chúa chúng ta mà lại hết sức tin tưởng, hết sức tự hào. Thật thế, khi đón nhận từ phía chúng ta sự chết mà Người thấy nơi chúng ta thì Người bảo đảm chắc chắn sẽ ban cho chúng ta sự sống mà tự  mình chúng ta không thể có được [2].

Chết không phải là hết nhưng là sự biến đổi (x. 1Cr 15, 51-52)

Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã cứu vớt tất cả những gì là tiêu cực: không đánh vỡ sự ác từ bên ngoài nhưng là thâm nhập vào bên trong để biến đổi nó. Đức Giêsu đã xoay ngược, mặc lấy cho sự chết một ý nghĩa mới, chết không còn là dấu chấm hết, là ngõ cụt, không lối thoát nhưng là sự biến đổi. Khi “chỗi dậy từ cõi chết” (1Cr 15, 20), Phục Sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã khẳng định căn tính Thiên Chúa của mình và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ trên sự sống lẫn sự chết (x.Ga 10,18). Thánh Phaolô xác quyết: không phải ai khác mà chính Chúa Kitô “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 21). Thân xác ấy không còn hèn hạ, mà là vinh quang, không còn yếu đuối mà đầy mạnh mẽ, không còn là sinh khí mà là thần khí (x. 1Cr 15, 43-44). Vì vậy, sống trong niềm tin Phục Sinh, giáo hội luôn mời gọi mỗi người tín hữu sống tín thácc vào Ngài: Vì “không phải chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi…và những kẻ chết sẽ chỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15, 51-52). “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21, 4).

Sự chết trở thành hy lễ trên bàn thờ thập giá (x. 1Pr 3, 18)

Ngang qua lịch sử nhân loại Thiên Chúa đã tìm kiếm một đối tác cho giao ước, tìm một tiếng xin vâng từ phía loài người. Nhờ tiếng xin vâng của Đức Kitô hướng về Chúa Cha xuyên qua cuộc sống và cái chết của Người, Thiên Chúa có được một lời đáp trả hoàn hảo. Vì hậu quả của tội lỗi là sự chết, nên Chúa Giêsu đã vác thánh giá và chết để đền tội, để dâng mình làm hy lễ chuộc tội cho nhân loại. Vì thế, ngay từ đầu sứ vụ rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã được Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1, 29), Đấng mà Thiên Chúa “muốn trao ban cho nhân loại để nhờ Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 16). Với cái chết im lìm trên thập giá, Chúa Giêsu được ví như là “con chiên vẹn toàn, vô tì tích, Thiên Chúa đã chọn trước cả khi vũ trụ chưa được dựng nên” (1Pr 1, 19). Vì thế, cái chết trên thập giá Chúa Giêsu đã trở thành một cuộc dâng lễ vật: Ngài đã tự hiến chính thân mình lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho nhân loại. Về việc này, Thánh Phêrô tuyên bố rằng: “Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3, 18). Chúa Kitô chết để đưa chúng ta tới Thiên Chúa và “Người chỉ dâng hiến lễ một lần mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10, 14). Hiến lễ ở đây là sự vâng phục của Người, dâng hiến chính mình cho Chúa Cha và cho anh chị em mình: “Này là Mình… Máu Thầy hiến tế vì anh em” (Lc 22, 19tt). Thật thế,  Đức Giêsu đã hiến tế chính thân mình để cho thế gian được sống và thật sự Ngài đã làm cho thân mình làm của lễ sống động, vì dù bị giết nhưng Người vẫn sống. Vậy một cái chết như thế đã trở thành giá chuộc, tế phẩm vẫn tồn tại, vẫn sống, còn tử thần đã bị luận phạt [3]. Ngài chính là “trung gian của giao ước mới mới” (Dt 9, 15) và “vĩnh cửu” (Dt 13, 20). Trong giao ước mới, tội lỗi sẽ bị xóa bỏ (x. Rm 11,27); “Thiên Chúa sẽ đến cư ngụ giữa con người” (2Cr 6,16), “Ngài sẽ biến đổi tâm hồn và đặt vào lòng con người tình yêu của Ngài” (Rm 5, 5). Vì vậy, đây không còn là giao ước bằng chữ nhưng là giao ước của Thánh Thần (x. 2Cr 3, 6) để đem đến Thần khí và sự thật cho con cái Chúa (x. Ga 4, 24). Giao ước này, chính Đức Kitô đã thiết lập, đó là giao ước mới bằng máu của Người. Người triệu tập một dân từ người Do thái cũng như từ dân ngoại, họp thành một khối duy nhất không phải theo xác thịt nhưng trong Thần khí và thành dân mới của Thiên Chúa [4]. Vì máu của Đức Kitô đã đổ ra để quy tụ mọi người (x. Ep 2,12).

Lướt thắng sự chết

Nếu Đức Kitô không sống lại thì xem ra cái chết của Đức Kitô chỉ còn sự sỉ nhục, cô đơn, đau đớn, thua cuộc. Đức Giêsu đã chết và được người ta an táng trong ngôi mộ mới (x. Mt 27, 62-66). Chúa quan phòng có vẻ như đã bỏ rơi Ngài, vận mệnh của Ngài như đi nghịch lại với những lời Thiên Chúa đã hứa trong Thánh Kinh. Chính lúc tử thần có vẻ thắng cuộc, thập giá như dấu chứng của sự thất bại thảm khốc (x, Cr 1, 23) thì đó là lúc Thiên Chúa biểu dương uy quyền của Người:

“Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” (1Cr 15, 53)

“Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết” (Cv 13, 30). Người đã chiến thắng cái chết, thánh Augustinô xác quyết: khi bị tử thần giết chết, Ngài giết chết tử thần [5]. Đây chính là sự kiện quan trọng nhất trong Kitô giáo chúng ta. Không có sự phục sinh của Chúa Giêsu, đức tin của các Tông đồ và của chúng ta sẽ hoàn toàn sụp đổ: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rổng và cả đức tin của anh em cũng trống rổng…nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của anh em thật hảo huyền và anh em vẫn sống trong tội lỗi” (1Cr 15, 14.17). Chúa Giêsu Kitô không ngủ yên trong mồ mãi mãi nhưng “Ngài đã xuất hiện. Chính Người đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10). Đức Kitô hoàn tất công trình cứu chuộc nhờ chiến thắng quyền lực sự dữ, chiến thắng tội lỗi thường được coi như một mãnh lực (x. Rm 8, 3). Đằng sau sự dữ và tội lỗi là thần chết, “thủ lãnh thế gian” đã bị đánh bại bằng tình yêu tự hiến của chính Con Một Thiên Chúa.

“Cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9)

Một cuộc trao đổi kỳ diệu: Đấng Hằng sống, nhờ “vâng lời cho đến chết” (Pl 2, 8), đã có thể cứu chuộc được linh hồn con người và làm cho thân xác họ thừa hưởng phúc trường sinh. Đó chính là chiến thắng vĩ đại của Thập Giá Chúa Kitô, đó chính là niềm tin của chúng ta. Nhờ sự chết và sự sống lại của Người, Chúa Kitô đã “tiêu diệt sự chết” (2Tm 1, 10), , nên “cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Người đã chiến thắng tử thần để mở ra cho toàn thể nhân loại một quang lộ mới đi tới sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đồng thời đưa con người đạt tới sự sống viên mãn, trở nên “nghĩa tử” của Thiên Chúa (Rm 8, 15) vì con người được trở nên anh em với Chúa Kitô như chính Người gọi các môn đệ sau khi sống lại “Hãy đi báo tin cho anh em của Thầy” (Mt 28,16). Từ nay những ai đang đi trong tối tăm của bi quan, thất vọng của sự kìm hãm trong tội lỗi, trong nô lệ cho ma quỉ và sự chết đã thấy ánh sáng huy hoàng, được niềm vui, niềm hy vọng. Chúa đã sống lại, ai tin vào Người cũng sẽ được sống với Người. Những ai đang đau khổ, bất hạnh là đang vác thập giá và cùng chịu chết với Người sẽ được sống lại với Người (x. Rm 6, 8-9).

“Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30)

Khi Chúa Giêsu “được giương cao khỏi mặt đất” cũng là lúc Ngài hoàn tất chương trình cứu độ cho toàn thể nhân loại. Và Ngài đã “lôi kéo chúng ta vào công cuộc hoàn tất của Người” (x. Ga 12, 32). Nhờ cái chết, Đức Kitô đã đi vào vinh quang phục sinh và giờ đây Người lôi kéo chúng ta vào chia sẻ vinh quang ấy. “Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến và chính giờ này đây các kẻ chết nghe thấy tiếng Con Thiên Chúa, ai nghe thì được sống” (1Ga 5, 25). Từ nay “không còn chết chóc, khóc lóc, đau khổ nữa” (Kh 21, 4) vì Chúa Giêsu đã giải thoát tất cả vũ trụ hữu hình khỏi mọi sự dữ, sự hỗn loạn mà tội lỗi đem vào thế gian. Tất cả vũ trụ hữu hình đạt tới cùng đích viên mãn nhờ Chúa Kitô. Vì vậy, con người “không còn phải lệ thuộc cảnh hư nát mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21).

Khải hoàn ca (1Cr 15, 54-57)

Đối với thánh Phaolô, sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng là sự phục sinh của chúng ta, cuộc Vượt Qua của Đức Kitô cũng là cuộc vượt qua của toàn thể nhân loại. Vì thế, Ngài hân hoan loan báo: “cái thân phải hư nát của chúng ta sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử”, thì bấy giờ, hợp cùng toàn thể vũ trụ, chúng ta sẽ hát khúc khải hoàn ca: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?… Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 15, 54-57).

Kết bài

Vì yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa phải chết treo trên thập giá, nhưng cũng nhờ sự chết của Đấng bị treo mà tội lỗi của con người được tha thứ. Nhờ công nghiệp trong Đức Kitô, chúng ta được lãnh nhận ơn hoà giải và ơn tha thứ tội lỗi cách nhưng không bởi ân nghĩa của thập giá, (x. Rm 3, 24-25). Chúa Giêsu đã biến đổi và chiến thắng trên sự dữ, sự dữ của tội và của cái chết. Chiến thắng của Ngài cũng là chiến thắng của chúng ta, và chúng ta sống trong niềm hy vọng hợp nhất với Ngài trong sự sống viên mãn mai sau. Vì vậy, chúng ta cũng được mời gọi để thông phần tận đáy của cuộc sống chúng ta vào toàn thể cái chết và sự Sống Lại của Đức Kitô. Nếu chúng ta “đã cùng chết với Đức Kitô” thì chúng ta tin rằng “chúng ta cũng sẽ sống với Người, vì chúng ta biết rằng Đức Kitô, một khi đã sống lại từ cõi chết, thì không còn chết nữa; sự chết không còn quyền lực gì trên Người” (Rm 6, 8-9). Đó cũng là tinh thần mới mà Giáo Hội mời gọi “Mọi chi thể phải nên giống Chúa Kitô cho đến khi Ngài hình thành trong họ (x. Gl 4,19). Vì thế, chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Ngài, trở nên giống Ngài, cùng chết và cùng sống lại với Ngài, cho đến khi cùng cai trị với Ngài.Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Ngài trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Ngài như thân thể kết hiệp với đầu, hiệp với sự thương khó của Ngài để được cùng vinh hiển với Ngài” [6].

 Bart. Hoàng Quang Hùng

 ›šš

Tài liệu tham khảo:

1. Antôn. Trần Minh Hiễn, Giáo Phụ Học, ĐVC, 2010

2. Filipe Gómez, SJ, Kitô Học I & II, Nxb Antôn Và Đuốc Sáng, 2009

3. F.X. Durrwell, Đức Kitô Vượt Qua Của Chúng Ta – Phục Sinh, Vai Trò Không Thể Thiếu Trong Ơn Cứu Độ Của Chúng Ta, Ligouri; Missouri, 2000

4. Norberto, Cuộc Vượt Qua Của Đức Kitô, 1994

5. Phaolô. Bùi Văn Đọc, Đức Kitô Hôm Qua Hôm Nay Và Mãi Mãi, Nxb Tôn Giáo, 2009

6. Rudolf Schackenburg, Đức Giêsu Trong Các Tin Mừng, Nxb Tôn giáo, 2009

7. Thánh Công đồng Chung Vaticanô II & Điển Ngữ THần Học THánh Kinh


[1] Grégoire de Nazianze, “Một cuộc trao đổi kỳ diệu”

[2] Augustinô, “Chúng ta hãy hiên ngang vì thập giá Chúa Kitô”

[3]Phêrô Kim Ngôn, Giám mục, “Bạn hãy trở thành tế phẩm và tư tế cho Thiên Chúa”.

[4] Hiến chế tín lý về Giáo Hội. Lumen Gentium, số 9

[5] Augustinô, Khảo luận “Dấu chỉ con rắn đồng” về Tin Mừng thánh Gioan

[6]  Hiến chế tín lý về Giáo Hội. Lumen Gentium, số 7

Bài này đã được đăng trong THẦN HỌC. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này